You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 29/11, tại thành phố Cần Thơ, UBND TP. HCM phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2024 - 2025.
 
so-ket-thoa-thuan-hop-tac-kinh-te-xh-haithin

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có: Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; cùng lãnh đạo 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là rất lớn và các địa phương cũng kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên kết quả hợp tác từ tháng 3 năm 2023 đến nay chưa đạt được như kỳ vọng.

Tại hội nghị hôm nay, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn lắng nghe ý kiến của các địa phương, đại diện các doanh nghiệp về những giải pháp hiệu quả để hợp tác đạt được những kết quả thiết thực hơn trong thời gian tới, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và TP.HCM.

Đây là điều mà lãnh đạo TP.HCM rất trăn trở và rất mong muốn có bước đột phá, thiết thực. TP.HCM luôn là điểm mở, luôn lắng nghe và sẵn sàng cùng với ĐBSCL và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng tham gia để triển khai hợp tác thực chất, hiệu quả.

 


Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội từ tháng 3 năm 2023 trên 6 lĩnh vực; trong đó, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, kết nối cung cầu - xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và một số lĩnh vực hợp tác song phương.

Trong năm 2023-2024, triển khai nhiều chương trình hợp tác cấp vùng như: kết nối doanh nghiệp, kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại, hợp tác song phương về tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ và  đổi mới sáng tạo, đã hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương; đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực y tế với quy mô vùng đã giúp giảm tải cho hệ thống y tế thành phố và chăm sóc sức khỏe người dân vùng ĐBSCL ngày một tốt hơn.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, hiệu quả Thỏa thuận hợp tác mang lại chưa cao; một số nội dung, lĩnh vực mới chỉ dừng lại ở bước khởi động, nghiên cứu hoặc đề xuất như lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số chỉ mới xây dựng được khung nền tảng (dưới hình thức trang web) về chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; hay như lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông trong khi lưu lượng giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây rất lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là các dịp lễ, tết; cho đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết: Thành phố Cần Thơ xác định vai trò của liên kết vùng, tầm quan trọng của hoạt động phối hợp trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Cần Thơ và khẳng định “Phát huy tối đa nội lực và ngoại lực, đặc biệt là các liên kết vùng và kết nối hạ tầng vùng ĐBSCL”.

Thành phố Cần Thơ khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL: Đối với liên kết, hợp tác quốc tế: Cần Thơ có vai trò quan trọng là cầu nối của toàn khu vực với quốc tế; Đối với liên kết vùng: Với vị thế là trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, đổi mới mô hình phát triển thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tạo liên kết để tạo sức mạnh, động lực phát triển bền vững và thịnh vượng; Đối với liên kết trên phạm vi cả nước: Cần Thơ với vai trò kết nối thúc đẩy hợp tác với các thành phố trực thuộc Trung ương khác; với các địa phương vùng Bắc Trung bộ, tăng cường liên kết trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, chủ động xúc tiến thương mại đầu tư, tiến hành xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, phát triển y tế, khoa học liên kết với các bệnh viện hàng đầu.

 


Đại biểu và du khách tham quan gian hàng trưng bày của Vườn DLST Tuấn Tường

Triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung liên kết vùng; tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng, trong cả nước và các địa phương quốc tế. Cần Thơ liên kết, phối hợp với TP.HCM và các viện, trường đã ký kết trên các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; y tế chuyên sâu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại, mở rộng thị trường;… để đưa thành phố Cần Thơ trở thành cực phát triển của khu vực ĐBSCL”.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã cùng nhau phân tích đánh giá những kết quả đã đạt được và đề xuất các giải pháp liên kết, hợp tác giai đoạn 2024-2025 mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương.

 
Phương Thảo/cantho.gov.vn