Mắm chưng là một món ăn được xem là đặc sản của người miền Tây, được chế biến đa dạng từ cá thu, các lóc, cá sặc, cá linh vv... với mùi thơm đậm đà chưng cùng thịt băm, trứng vịt, gia vị đã tạo nên một món ăn dân dã, nuôi lớn bao thế hệ của người miền Tây bình dị, chất phác, nghĩa tình.

Để thực hiện món ăn này cũng khá đơn giản bạn nên chuẩn bị một chiếc nồi hơi rộng, cho sẵn nước. Lấy một tô lớn đập hai quả trứng vịt vào rồi cho mắm cá đã băm nhuyễn, thịt băm, hành lá, hành tím, tiêu, bột ngọt và đường vào trộn đều tất cả lên. Gia vị nêm vừa đủ theo khẩu vị. Cho tô hỗn hợp vào nồi nước đã chuẩn bị, bắc lên bếp chưng trong khoảng 30 phút với lửa vừa để hỗn hợp mắm chín đều. Lưu ý, khoảng 10 phút mở vung một lần để tránh hơi nước bốc lên rơi ngược vào tô mắm khiến mắm bị ướt nhão.
Quả trứng vịt còn lại, tách lấy lòng đỏ đánh đều lên. Sau 30 phút, mở nắp nồi chưng, đổ lòng đỏ vào, nhẹ nhàng dàn đều trên bề mặt bát mắm rồi rải đều hành lá và ớt cắt lát lên trên. Tiếp tục chưng trong khoảng 15 phút nữa là mắm chín. Tắt bếp. Khéo léo cho tô mắm ra ngoài để nguội và thưởng thức.
Để tăng độ ngon, bạn nên ăn món này cùng các loại rau ghém. Theo khẩu vị người miền Tây, món mắm chưng ăn kèm với các loại rau sống có vị chát rất phù hợp. Dưa leo, khế, chuối chát, cà, đậu rồng, bông súng tước bỏ vỏ ngoài rửa sạch rồi cắt lát vừa ăn. Riêng chuối chát, sau khi bào vỏ cần cho ngày vào thau nước có vắt nước cốt chanh để chuối không bị thâm đen, nhìn đẹp mắt.
Xới thêm một tô cơm nóng là bạn đã có ngay một bữa ăn vừa thay đổi khẩu vị, vừa bắt cơm rồi nè.
Đã là người miền Tây, dù ở bất kỳ nơi đâu, chắc rằng suốt trong quãng đời của mình không ai là không một lần nếm cái vị mắm đậm đà, dân dã mà khó quên ấy. Nhiều người Việt xa quê, khi nỗi nhớ nhà trào dâng, cũng chỉ ước ao được một lần ăn lại miếng mắm chưng, cắn thêm trái ớt hiểm... ngốn ngấu cục cơm nguội đến nao lòng. Cũng bởi đó không chỉ đơn giản là món ăn mà còn chất chứa biết bao nỗi nhớ về làng quê và những người thân trong gia đình.